Đây là lần thứ 2 tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ hội hoa xuân, nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng trồng hoa lớn nhất miền Bắc.
Lễ hội được tổ chức tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, với sự tham gia của hàng trăm nhà vườn, các doanh nghiệp kinh doanh hoa, cây cảnh nghệ thuật của các xã Phụng Công, Xuân Quan và thị trấn Văn Giang. Các gian hàng được trang trí, sắp xếp khá hấp dẫn với đa dạng các sản phẩm như: hoa giỏ treo, cây cảnh bon sai, các loại hoa đủ sắc màu rực rỡ.
Tại lễ hội còn trưng bày nhiều hoa, cây cảnh của các làng hoa truyền thống trong cả nước và câu lạc bộ Hoa lan của các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng… nhằm quảng bá, giới thiệu và phục vụ nhu cầu của khách hàng đến thăm quan lễ hội.
Ông Chu Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND huyện Văn Giang cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 ha chuyên trồng hoa cây cảnh, tập trung thành 3 vùng chuyên canh: vùng trồng hoa công nghệ cao, vùng trồng cây cảnh, vùng trồng cây phôi. Theo đó, đã hình thành 8 làng nghề chuyên sản xuất hoa cây cảnh thu hút trên 5.000 hộ tham gia, tạo việc làm cho trên 13.000 lao động. Tổng thu nhập từ trồng hoa cây cảnh mỗi năm của huyện đạt gần 800 tỷ đồng.
Từ hiệu quả trên, Văn Giang có 2 xã là Xuân Quan và Phụng Công được cấp bằng công nhận là “Làng nghề hoa cây cảnh”. Cùng đó, có 3 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ gồm: Quất cảnh Văn Giang, Cam Văn Giang và Hoa Xuân Quan. Các sản phẩm hoa cây cảnh Văn Giang đã chiếm lĩnh thị trường khu vực Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, các tỉnh vùng Tây Bắc và các tỉnh thành phía Nam.
Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phụng Công cho biết, là vùng có truyền thống trồng hoa cây cảnh nổi tiếng từ 30 năm nay, trên địa bàn xã Phụng Công hiện có gần 1.400 hộ, chiếm 84% tổng số hộ tham gia nghề trồng hoa cây cảnh. Doanh thu từ nghề trồng hoa cây cảnh năm 2018 của toàn xã đạt hơn 300 tỷ đồng. Sự cần cù và sáng tạo của người Phụng Công đã tạo ra các sản phẩm được uốn tỉa, lai tạo cầu kỳ, luôn thu hút khách sành chơi.
Các sản phẩm nổi tiếng của làng nghề Phụng Công là hoa, cây cảnh ngắn ngày như hoa ly, đồng tiền, cúc, hoa giỏ treo (ngọc thảo, dạ yến thảo ….), hoa lan (địa lan, phong lan, hồ điệp…), trà, hải đường, trạng nguyên. Các loại cây công trình, cây cảnh lâu năm có xanh, si, đa, lộc vừng, sấu… Hiện nay, bà con đã đưa tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa như: nuôi cấy mô, trồng hoa trong nhà lưới, nhà kính; sử dụng kỹ thuật hiện đại như máy phay đất, hệ thống tưới nước tự động, máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu…
Phát biểu tại buổi khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng đánh giá cao nghề trồng hoa cây cảnh Văn Giang đang có nhiều đột phá với hiệu quả lớn, phát triển nhanh, mạnh, đưa Văn Giang hướng đến một nền “nông nghiệp đô thị, nông nghiệp thông minh, nền nông nghiệp công nghệ cao”. Theo đó, Đảng bộ và nhân dân trong huyện cần tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nghề trồng hoa cây cảnh phát triển theo hướng ổn định, lâu dài; giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng Văn Giang thành đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với huyện Văn Giang xây dựng chợ đầu mối và trung tâm giới thiệu sản phẩm; tập trung đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nghề trồng hoa cây cảnh Văn Giang, dải đất màu mỡ ven sông Hồng ngày càng phát triển phồn thịnh, hướng tới hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn ven Thủ đô Hà Nội.
Lễ hội hoa Văn Giang diễn ra đến hết ngày 21/1. Đây là dịp để khách tham quan được thưởng thức, mua sắm các loại hoa cây cảnh đẹp, độc và lạ. Đồng thời, được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm từ các nghệ nhân của các làng nghề về bí quyết chăm sóc hoa cây cảnh và thú chơi tao nhã của người Việt khi Tết đến xuân về.