Men theo con đường đê ngoằn ngèo mù mịt những bụi và cát phục vụ cuộc “lột xác” lên đô thị hoá, chúng tôi tìm đến xã Phụng Công, Văn Giang, Hưng Yên – vùng đất nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh. Khác hẳn với những gì vừa trải qua trên đường, một khung cảnh thanh bình hiện ra trước mắt với con đê, luỹ tre làng và bạt ngàn màu xanh của cây cảnh.
Một cây đánh đổ cả sào lúa
Đã hơn hai chục năm nay, từ khi nghề trồng cây cảnh thâm nhập vào vùng đất này, cuộc sống của người dân xã Phụng Công trở nên sung túc hơn nhiều. Những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên khiến không gian như chật chội hơn. Dường như chẳng có mét vuông đất nào ở đây còn để trống. Những vạt đất nhỏ chạy dọc theo con đường bê tông trong làng được tận dụng để trồng hoa với đủ màu sắc trông khá vui mắt.
Chúng tôi theo chân một tốp nông dân đang hì hụi chuyển những cây sanh (một loại cây cảnh cùng họ với cây si) từ ngoài đồng về nhà. Hôm nay nhà ông Huynh ở thôn Ngò thu hoạch gần 2 sào cây sanh 6 năm tuổi, những cây có gốc rễ xù xì được bứng lên, chuyển về các chậu cảnh trong sân nhà để tiếp tục chăm sóc. Ông Huynh cho biết, nhà ông có gần một mẫu ruộng đều trồng cây cảnh, 2 sào ông trồng cây sanh đã bắt đầu thu hoạch, bước vào giai đoạn chỉnh tán, chỉnh thế. Những cây sanh đưa từ ngoài đồng về trông đơn giản, chưa có thế, có “hồn” nhưng giá cũng đã tới 300-400.000đ, chỉ cần có sự can thiệp của bàn tay con người trong một thời gian ngắn nữa là giá của mỗi cây sẽ khác hẳn.
“Một cây cảnh có thể đánh ngã cả sào lúa”, ông Huynh khẳng định như vậy khi chúng tôi đặt vấn đề so sánh giá trị kinh tế giữa trồng cây cảnh và trồng lúa.
Cả xã Phụng Công có hơn 500 mẫu đất, chủ yếu trồng cây cảnh, hầu như gia đình nào ngoài phần đất được chia cũng thuê thêm đất để trồng cây. Câu chuyện của chúng tôi thêm phần rôm rả khi bà Đỗ Thị Nghề, hàng xóm của ông Huynh tham gia. Nhà bà Nghề có hơn mẫu đất thì 7 sào trồng cây còn lại đào ao thả cá và nuôi lợn. Bà nhẩm tính từ đầu năm tới giờ, gia đình bà đã thu hơn 50 triệu đồng trong đó 28 triệu thu hoạch từ cây, còn lại là từ cá và lợn. Bà bảo, chỉ trồng cây “vớ vẩn” cũng thu nhập cả chục triệu một năm. Anh con trai lớn nhà bà, những lúc rỗi rãi, chở cây thời vụ đi bán dạo trong thành phố cũng có thể kiếm vài trăm ngàn một ngày.
Như nhiều nghề khác, cây cảnh ở Phụng Công cũng có năm bảy loại. Nhà ít kỹ thuật thì trồng các cây hoa thời vụ “đầu tư ít mà thu hồi vốn nhanh” như trà, sung…; người có kỹ thuật thì chơi cây thế, cây lâu năm.
Ở xã Phụng Công này số người có đủ phẩm chất và tính kiên trì để chơi cây thế như anh Phạm Văn Minh không nhiều. Mới 32 tuổi nhưng vườn cây thế hơn 30 gốc với đủ loại như sanh, si, lộc vừng, phi lao, đa… trong vườn nhà anh giá trị lên đến cả tỉ đồng, có cây tuổi cũng gần bằng tuổi anh.
Chỉ vào cây sanh để ngay trước cửa nhà, anh Minh cho biết: “Người ta đã trả tôi 70 triệu cây này mà tôi không bán”, rồi anh kể về nghề của mình: “Không phải ai cũng chơi được cây thế. Quan trọng nhất là phải có sở thích, mà thích không chưa đủ, phải có khả năng đánh giá phôi (phôi là cây lúc còn mộc, chưa chỉnh sửa gì) bởi nếu biết nhìn, biết đánh giá, phôi sau khi sửa có thể cho giá trị gấp 10 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Như cây sanh này chẳng hạn, tôi mua có 2,5 triệu, hôm trước hôm sau có người đã trả 4 triệu và giờ thì… 70 triệu”. Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất cây thế, anh Minh cũng có tới 5 sào ruộng để trồng “phôi”, anh còn đi khắp các tỉnh tìm mua phôi về tạo thế.
Cây cảnh ở đây được khách hàng từ khắp nơi đổ về “ăn hàng” từ Bắc Ninh, Quảng Ninh cho tới Nghệ An… “Hầu như chúng tôi không phải mất công marketing, người tứ xứ nghe danh rồi đổ về đây mua cây”, bà Nghề tự hào về vùng đất nổi tiếng này. Rồi bà diễn tả nỗi lo lắng của mình về dự án qui hoạch vùng đất này đang chuẩn bị triển khai “chúng tôi đã bao đời gắn với ruộng đồng, cây cảnh đem lại cho chúng tôi cuộc sống sung túc, lâu dài vậy mà người ta đang định thu hồi toàn bộ đất canh tác của để xây dựng khu đô thị, chẳng biết tương lai sau này thế nào?”.
Thêm vài người hàng xóm của ông Huynh kéo sang chơi, có lẽ họ biết chúng tôi là phóng viên nên muốn thể hiện quan điểm của mình về dự án xây dựng khu đô thị – thương mại – du lịch Văn Giang đang chuẩn bị được xây dựng ngay trên những mảnh ruộng đang trồng cây cảnh này.
Nỗi lo của người nông dân mất đất
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó chủ tịch xã Phụng Công tiếp chúng tôi khi vừa đi đăng ký thương hiệu “bánh tẻ Phụng Công” ở Cục sở hữu trí tuệ về. Hoá ra, Phụng Công không chỉ nổi tiếng về trồng hoa, cây cảnh mà còn nổi tiếng với món bánh tẻ cực kỳ dân dã.
Đề cập đến vấn đề “nhạy cảm” hiện nay ở Phụng Công là thu hồi đất để xây dựng khu đô thị, du lịch, thương mại, ông Tú cho biết, chính ông và lãnh đạo xã cũng mới chỉ được biết là sẽ xây dựng khu đô thị ở đây chứ còn chi tiết ra sao thì chịu. Ông bảo mới nghe Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Hưng – đơn vị chủ dự án, nói là khu đô thị sẽ có cây, có công viên, bệnh viện, khu dân cư… Theo thiết kế qui hoạch, diện tích đất của Phụng Công nằm trong dự án là 2.381.644m2, có nghĩa là toàn bộ diện tích đất canh tác hiện nay ở Phụng Công sẽ thuộc về dự án xây dựng khu đô thị này.
Mức đền bù mà người ta dự kiến thanh toán cho mỗi sào ruộng ở đây là 19.500.000đ, đó là đa số người dân nói vậy chứ theo ông Tú thì đất trồng cây cảnh được đền bù và hỗ trợ 30.000.000đ/sào. Sở dĩ có những thông tin khác nhau vì cho đến giờ, mặc dù đã có quyết định của UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt dự án xây dựng khu đô thị du lịch thương mại Văn Giang với thời gian thực hiện từ 2004-2006 nhưng đến nay cũng mới chỉ triển khai họp ở cấp đảng bộ xã, các ban chấp hành đoàn thể, cán bộ lão thành… chứ họp với dân thì chưa. Có lẽ lãnh đạo biết sự không đồng tình của người dân nên họ chuẩn bị làm công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trước rồi mới triển khai đến nhân dân.
Một ngày lang thang ở Phụng Công, chúng tôi cảm nhận được nỗi lo lắng của người dân nơi đây khi không có đất trong tay và nghề trồng cây cảnh mất đi. Và nỗi lo lắng đó có cơ sở khi bao năm nay cuộc sống của họ vẫn gắn bó với nghề trồng cây cảnh, với cánh đồng này. Kế hoạch triển khai hỗ trợ việc làm của chủ dự án là Công ty Việt Hưng ở mãi trên Hà Nội không làm họ yên tâm. Anh Tú cho biết, mặc dù chủ dự án có thông báo kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động địa phương theo hướng như đưa lao động xuất khẩu, đào tạo nghề cho lao động địa phương, nhận lao động vào làm tại dự án… nhưng đến thời điểm này, chưa xuất khẩu được lao động nào, số lao động đào tạo thì mới tuyển được 42 thanh niên đi học nghề… vệ sĩ.
Bàn về dự án, anh Nguyễn Văn Minh, người của thôn Ngò nói rằng, quan điểm của anh là có đền bù tới… 150 triệu/sào anh cũng không đồng ý, anh lý giải là chỉ có mảnh đất và cái nghề trồng cây cảnh mới đem lại lợi ích lâu dài cho anh, cho đời con anh và cho cả cái cái xã với 6000 nhân khẩu này, chứ có tiền mà chẳng có nghề ngỗng gì thì “miệng ăn núi còn lở nữa là”. Ngay cả cán bộ xã cũng vậy, mặc dù khi nói chuyện với chúng tôi vẫn thể hiện quan điểm rõ ràng là “chấp hành quyết định của cấp trên” nhưng tôi đọc được sự lo lắng của họ. Bởi họ cũng chính là những người con của mảnh đất Phụng Công, họ cũng có vài sào đất trồng cây cảnh và cuộc sống của gia đình cũng trông cả vào đấy.
Chúng tôi đặt vấn đề liệu lãnh đạo xã có lường trước việc khi hết đất, thiếu việc làm sẽ nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực hay không? Ông Tú nói rằng lãnh đạo xã có lường đến điều này nhưng bây giờ vẫn chưa thể nói trước điều gì, vẫn hy vọng vào những điều tốt đẹp mà dự án mang lại như những gì họ đã phổ biến.
Trời đã ngả về chiều, mặc dù mấy ngày này Hà Nội đang rất nóng bức nhưng ở đây trời vẫn dịu mát, những cơn gió mơn man trên những thửa ruộng bạt ngàn màu xanh cây cảnh. Con đê như dải lụa uốn lượn ôm lấy những ngôi làng như muốn chở che trước sức tấn công của đô thị hoá. Anh bạn đồng nghiệp lục túi tìm chiếc khẩu trang để chuẩn bị lên đường về Hà Nội. Chờ đợi chúng tôi ở phía trước là con đường mù mịt bụi…
Sưu tầm!.